Khoảng 1/3 số người bị tai biến mạch máu não sau đó bị liệt nửa người. Sau 6 tháng, gần 2/3 bệnh nhân không thể tự làm các hoạt động bình thường.



Vì vậy, ngay khi chưa xuất viện, người nhà đã phải nghĩ đến kế hoạch tập luyện phục hồi chức năng cho người bị tai biến

Tại bệnh viện

Tuần đầu tiên: Đánh giá khả năng nuốt và trợ giúp cho bệnh nhân những hoạt động của cuộc sống hằng ngày.

Tuần thứ 2 đến tuần thứ 6: Rèn luyện cho bệnh nhân dùng một tay để làm các công việc như mặc quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh. Cho bệnh nhân rèn luyện ở tay bị liệt, dùng vai và khuỷu tay để trợ giúp cho những động tác như cầm, nắm và kéo. Cho tập luyện có theo dõi và trợ giúp ở những khoảng cách khoảng 10 m.

Ở nhà sau khi nằm viện

Tháng thứ 1 đến tháng thứ 6: Tập cho bệnh nhân đi bộ mỗi ngày khoảng 5 phút; cho tập những động tác như cầm cốc, cầm sách, gấp quần áo, tập cầm nâng những đồ vật kích cỡ, nặng nhẹ khác nhau. Mỗi ngày tập luyện khoảng 20 phút cho đến khi bệnh nhân có thể tự làm được động tác này.

Nếu bệnh nhân không thể tự làm, có thể dùng các dụng cụ trợ giúp tay hoặc chân. Cho bệnh nhân tập theo các dụng cụ này.

Ngoài 6 tháng: Tăng cường đi bộ. Nếu bệnh nhân mất tiếng nói, nên cho nghe và đọc các câu chuyện trên báo chí, truyền hình, rồi ngay lập tức cho bệnh nhân tập kể lại câu chuyện. Tập những kỹ năng này với mức độ khó tăng dần, khoảng 20 giờ mỗi tuần.

Khoảng 20% bệnh nhân có mất tiếng nói sau tai biến mạch máu não. Việc điều trị cho bệnh nhân mất tiếng nên bắt đầu từ sớm, ngay trong 3 tháng đầu tiên. Các chuyên gia tiếng nói khi tập luyện cho bệnh nhân trong giai đoạn đầu cần có sự tham gia của những người thân trong gia đình hoặc những người tình nguyện. Họ chính là những người sẽ tiếp tục giúp đỡ cho bệnh nhân ở giai đoạn sau. Thời gian cho tập luyện tiếng nói phải là 40-100 giờ trong 3 tháng đầu tiên.

Sự hồi phục thường cơ thể chỉ có ở những bệnh nhân có tổn thương mức độ trung bình. Với những bệnh nhân bị tổn thương mức độ nặng thì sự hồi phục gần như là không có. Với những bệnh nhân bị liệt nửa người, phải tập luyện những động tác hỗ trợ, như tự chuyển từ giường qua xe lăn hoặc tự di chuyển bằng kỹ năng dùng một tay. Sự tập luyện tích cực với cường độ cao 16 giờ hoặc hơn mỗi tuần có tác dụng hồi phục tốt hơn hẳn những bệnh nhân chỉ tập luyện vài giờ mỗi tuần.

Nên tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến sớm tay ngay khi tay có thể tự di chuyển được chút ít. Nếu như tay không di chuyển được trong vòng 6 tuần đầu thì hầu như sẽ không thể hồi phục được. Nên tập tay 3-6 giờ một ngày trong khoảng 3-6 tuần sau tai biến. Việc dùng điện châm có thể giúp cho bệnh nhân tăng được lực co cơ, hỗ trợ động tác duỗi và gấp tay. Tuy nhiên, nếu chỉ châm cứu đơn thuần thì khả năng cải thiện ít hơn.

Trong tai biến mạch máu não, liệt được chia ra liệt cứng và liệt mềm. Đa phần các bệnh nhân là liệt cứng, chỉ một số nhỏ bệnh nhân có liệt mềm. Những bệnh nhân liệt mềm thường bị tàn tật nhiều hơn do tay liệt mềm khó sử dụng được. Trong khi đó, những bệnh nhân liệt cứng có thể sử dụng được tay và chân nhiều hơn cho các động tác.

Đi bộ là mong muốn của tất cả các bệnh nhân tai biến mạch máu não. Khi đang nằm viện, nếu bệnh nhân đã có thể co chân lại được, phải tập đi từng bước. Có thể cho tập đi từng đoạn ngắn dưới nạng hoặc được người trợ giúp. Để hồi phục khả năng đi bộ, thậm chí ngay cả đoạn ngắn, cần phải có tập luyện. Mỗi bệnh nhân phải có ít nhất 15 phút mỗi ngày tập cho đi bộ. Dù tập sau 3 tháng, thậm chí cả sau một năm thì vẫn có cải thiện rõ ràng. Tuy nhiên, nếu tập sớm thì sẽ hồi phục tốt hơn.